Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Ảnh minh hoạ, liên hệ để lấy full ảnh nhà và nội thất

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá được ví như “Tấc đất, tấc vàng”, để bảo vệ nguồn tài nguyên ấy pháp luật đặt ra những cơ chế cụ thể, chặt chẽ nhằm thống nhất quản lí. Khi hộ gia đình, cá nhân muốn trở thành người sử dụng đất, mở mang diện tích đất trồng thông qua hình thức nhận chuyển nhượng pháp luật cũng đặt ra những quy định điều chỉnh. Đặc biệt là nhận chuyển nhượng đối với nhóm đất là tư liệu sản xuất chính, không thể thay thế để sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng- nhóm đất nông nghiệp, pháp luật quy định mức giới hạn tối đa để các chủ thể có thể nhận. Vậy khi hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cần tuân thủ những quy định nào? Cần đáp ứng những điều kiện gì? Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân là bao nhiêu?

      Căn cứ theo quy định của pháp luật, Nhamatdat.com chúng tôi xin tư vấn hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân như sau:

Cơ sở pháp lí

  • Luật đất đai 2013
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp là gì?

     Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là giới hạn mức tối đa mà Nhà nước quy định đối với từng nhóm đất nông nghiệp mà các chủ thể có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để chuyển quyền sử dụng đất từ người đang sử dụng đất sang cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, hay thuật ngữ thường gọi được sử dụng phổ biến là chuyển quyền từ bên “bán” sang bên “mua”.

Điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

       Để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ gia đình và cá nhân phải đáp ứng điều kiện sau:

      Thứ nhất, Hộ gia đình, cá nhân không thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Điều 191 Luật Đất đai:

  • Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất như người chuyển nhượng không đáp ứng các điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng theo Điều 188 Luật đất đai (người sử dụng đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, quyền sử dụng đất đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng đất) mà thực hiện chuyển nhượng.
  • Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
  • Hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nơi có đất muốn nhận chuyển nhượng là đất nông nghiệp thuộc khu vực rừng phòng hộ, trong khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng.

      Thứ hai, Diện tích đất mà hộ đình, cá nhân nhận chuyển nhượng phải nằm trong hạn mức nhận chuyển nhượng đối với nhóm đất nông nghiệp do pháp luật quy định.

       Lưu ý: Khi hộ gia đình, cá nhân muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ngoài những điều kiện trên còn cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 193 Luật đất đai, đó là: Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Và phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa nước theo quy định của Chính phủ nếu đó là diện tích đất trồng lúa nước.

Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

      Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được quy định cụ thể tại Điều 130 Luật đất đai là không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ. Hạn mức này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với từng loại đất, cụ thể như sau:

Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối

  • Không quá 30 ha cho mỗi loại đất đối với các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Cần Thơ
  • Không quá 20 ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại

Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm

  •  Không quá 100 ha đối với các xã, phường, thi trấn ở đồng bằng
  •  Không quá 300 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi

Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thuộc loại đất rừng sản xuất là rừng trồng:

  •  Không quá 150 ha đối với các xã, phường, thi trấn ở đồng bằng
  • Không quá 300 ha đối với  các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi

Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt

  • Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực Trung ương thì tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất bằng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cao nhất.

      Ví dụ: Anh A nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp với loại đất trồng cây hằng năm tại tỉnh Đồng Nai là 50 ha và  20 ha tại Gia Lai. Mà Đồng Nai thuộc Đông Nam Bộ có hạn mức đối với loại đất này: không quá 30 ha; Gia Lai thuộc Tây Nguyên có hạn mức đối với loại đất này là không quá 20 ha. Lúc này hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với loại đất trồng cây lâu năm được xác định đối với anh A sẽ là 30 ha, do anh A nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đồng Nai về cùng một loại đất nên sẽ được xác định hạn mức nhận chuyển nhượng tại tỉnh có hạn mức cao nhất- Đồng Nai. Vậy nên việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của anh A vẫn nằm trong hạn mức cho phép.

  • Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đó được xác địnhtheo từng loại đất như quy định trên.
  • Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất vượt hạn mức nhận chuyển nhượng theo quy định trên mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/07/2007 thì phần diện tích đất vượt quá hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền
  • Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất vượt hạn mức nhận chuyển nhượng theo quy định trên mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/07/2007 đến trước ngày 01/07/2014 thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng đất và chỉ chuyển sang thuê đất của Nhà nước đối với phần diện tích vượt hạn mức nhận chuyển quyền.

      Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

– Liên hệ ngay 0969 093 651 để mua nhà đất Hà Nội.

Gọi điện Nhắn tin Zalo