Thủ tục giải chấp sổ đỏ theo quy định pháp luật 2020

Giải chấp sổ đỏ là gì? Thủ tục giải chấp sổ đỏ được tiến hành như thế nào theo đúng quy định pháp luật? Đây là hai câu hỏi quen thuộc được đặt ra đối với người sử dụng đất khi thế chấp quyền sử dụng đất của mình. Hiểu và nắm được thủ tục giải chấp sổ đỏ sẽ giúp người sử dụng đất tự tiến hành thủ tục một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, Nhamatdat.com chúng tôi xin tư vấn Thủ tục giải chấp sổ đỏ theo quy định pháp luật mới nhất như sau:
Cơ sở pháp lý
- Luật Đất đai 2013
- Nghị định 102/2017/NĐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm
- Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Giải chấp sổ đỏ là gì?
Giải chấp (hay còn gọi giải chấp ngân hàng) là việc giải trừ thế chấp đối với tài sản đang ở ngân hàng. Một tài sản được giải chấp khi nó đã chấm dứt nghĩa vụ đảm bảo cho khoản nợ. Vì vậy việc giải chấp là điều bắt buộc đối với người vay khi đến hạn trả nợ gốc tại ngân hàng. Người vay phải thanh lý đúng hạn, việc thanh lý không đúng thời hạn sẽ bị chuyển thành nợ quá hạn và ảnh hưởng đến uy tín về tín dụng của người vay sau này đồng thời ảnh hưởng đến uy tín về năng lực cho vay của cán bộ tín dụng.
Giải chấp sổ đỏ là việc giải trừ thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi nó đã chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm cho khoản nợ, khi người vay trả hết nợ gốc tại ngân hàng.
Khi bắt đầu thế chấp sổ đỏ để bảo đảm cho một nghĩa vụ nào đó thì người sử dụng đất cần thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất. Đồng thời khi kết thúc việc thế chấp sổ đỏ thì người sử dụng đất cũng phải thực hiện đăng ký thế chấp trường hợp xóa thế chấp quyền sử dụng đất. Như vậy, xóa đăng ký thế chấp là một trong các trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về các trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm. Cụ thể:
Theo đó, khi thuộc các trường hợp sau thì người sử dụng đất được thực hiện thủ tục giải chấp:
- Chấm dứt việc thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Thay thế biện pháp thế chấp quyền sử dụng đất bằng biện pháp bảo đảm khác như:
- Thay thế quyền sử dụng đất bằng tài sản có giá khác để thực hiện tiếp nghĩa vụ bảo đảm
- Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm. Khi thuộc các trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm sau khi đã hoàn tất thủ tục thông báo cho bên bảo đảm.
- Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp bảo đảm, tuyên bố biện pháp bảo đảm vô hiệu;
- Đơn phương chấm dứt biện pháp bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
- Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật;
- Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm;
- Theo thỏa thuận của các bên.
Hồ sơ giải chấp quyền sử dụng đất
Việc chuyển bị hồ sơ giải chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP và Điều 26 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp theo Mẫu số 03/XĐK
- Văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm;
- Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Trường hợp người sử dụng đất ủy quyền cho người khác làm thủ tục giải chấp thì cần có thêm Văn bản ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
- Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp lệ phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nếu có.
- CMND của bên thế chấp.
Thủ tục giải chấp sổ đỏ
Bước 1: Sau khi hoàn thiện hồ sơ như trên, nộp bộ hồ sơ này tại Văn phòng đăng ký đất đai, nếu chưa thành lập chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thì anh có thể nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và giao cho bạn giấy hẹn trả kết quả theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
- Nếu có căn cứ hồ sơ thuộc các trường hợp từ chối xóa đăng ký quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT do thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký thì Văn phòng đăng ký đất đai từ chối đăng ký bằng văn bản và chuyển hồ sơ đăng ký, văn bản từ chối đăng ký cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ để trả lại hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện đúng quy định.
- Nếu không có căn cứ từ chối thì trong thời hạn đăng ký, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc ghi vào sổ địa chính, Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và xác nhận trên phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Bước 3: Trả kết quả đăng ký căn cứ theo Điều 37 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT
- Văn phòng đăng ký đất đai trả lại cho người yêu cầu đăng ký 01 bản chính các loại giấy tờ sau: Đơn yêu cầu xóa đăng ký có chứng nhận của Văn phòng đăng ký đất đai và Giấy chứng nhận có ghi nội dung xóa đăng ký;
- Văn phòng đăng ký đất đai trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký theo phương thức nhận kết quả trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, nhận tại Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc gửi qua đường bưu điện có bảo đảm theo lựa chọn của người yêu cầu đăng ký.Trường hợp người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai có thỏa thuận phương thức trả kết quả đăng ký khác thì thực hiện trả kết quả đăng ký theo phương thức đã thỏa thuận.
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc đăng ký, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi kết quả đăng ký cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Văn đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa;
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục xóa đăng ký thế chấp: Văn phòng đăng ký đất đai.
Thời gian thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm đăng ký và trả kết quả trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề Thủ tục giải chấp sổ đỏ theo quy định mới nhất mà bạn quan tâm.

Có thể bạn quan tâm

Những bài thơ ngắn hay về ăn uống hài hước nhất

Nhà phố là gì? Có mấy loại nhà phố? Những ưu điểm và nhược điểm của nhà phố là gì?

Nhà mặt đất là gì? Nhà chung cư là gì? So sánh nhà mặt đất và chung cư cho người sắp mua nhà?

Môi giới bất động sản là gì? Công việc cụ thể và lợi ích của người môi giới nhà đất chuyên nghiệp?

Nên mua nhà nhỏ trong ngõ to hay nhà to trong ngõ nhỏ?

Sổ đỏ là gì? Sổ hồng làm gì? Cách phân biệt sổ hồng và sổ đỏ chi tiết?

Đất nông nghiệp là gì? Có mấy loại đất nông nghiệp? Đất nông nghiệp khác đất ở như thế nào?
